Bóng đá và truyền thông Bóng_đá

Báo viết

Khi bóng đá mới ra đời, nó ít được đề cập đến trong báo chí nói chung và báo chí thể thao nói riêng vì bị coi là quá "bình dân". Thậm chí tờ The Field (xuất bản tại Anh từ năm 1853) vốn chuyên về các môn thể thao "quý tộc" như đánh golf, tennis, đua ngựa chỉ còn mở hẳn một cột báo nhỏ để chê bai và châm biếm môn bóng đá. Một ví dụ khác là tờ L'Auto của Pháp chỉ bắt đầu đăng tin về bóng đá từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.[55]

Tuy nhiên cùng với mức độ phổ biến của bóng đá trên thế giới, báo chí thể thao cũng bắt đầu dành mối quan tâm cho môn thể thao này. Hàng loạt báo và tạp chí chuyên về bóng đá ra đời, ví dụ các tờ A Bola, O JogoRecord của Bồ Đào Nha, La Gazzetta dello Sport, TuttosportCorriere dello Sport - Stadio của Ý, MarcaAs của Tây Ban Nha, Olé của ArgentinaL'Équipe của Pháp. Những báo và tạp chí chuyên về bóng đá như vậy bắt đầu được xuất bản trong thời gian giữa 2 cuộc đại chiến thế giới, ngoài tờ tuần báo Le Football Association do chính FIFA xuất bản từ tháng 10 năm 1919 thì mãi đến năm 1929, tờ báo chuyên về bóng đá đầu tiên mới được xuất bản, đó là tuần báo Football của Pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tờ báo này được tiếp nối bằng tờ báo nổi tiếng France Football.

Báo viết không chỉ có vai trò quan trọng trong việc quảng bá môn bóng đá với công chúng mà còn tham gia tổ chức và duy trì các giải đấu. Giải đấu danh giá Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu đã được chính tờ L'Équipe của Pháp tổ chức lần đầu năm 1955. Một số câu lạc bộ cũng dần xuất bản những tờ báo của riêng họ, ví dụ câu lạc bộ Celtic FC cho ra đời tuần báo The Celtic View[56] từ năm 1965 để chuyên đăng tin tức về câu lạc bộ Scotland này. Câu lạc bộ của Ý AS Roma cũng sở hữu tờ Il Romanista (xuất bản từ năm 2004) với số lượng khoảng 10.000 bản mỗi kỳ.[57]

Truyền hình

Một người quay phim trong thời gian World Cup 2006.

Từ những năm 1920 các trận đấu bóng bắt đầu được tường thuật trực tiếp trên đài phát thanh.[58] Buổi tường thuật lại một trận đấu lần đầu tiên được phát trên sóng phát thanh của Ý ngày 6 tháng 10 năm 1924.[59] Nghề bình luận viên bóng đá cũng bắt đầu xuất hiện với những tên tuổi lớn như Georges Briquet, người được mệnh danh là "Vua bình luận trên đài" của phát thanh Pháp.[60] Ngay cả sau khi truyền hình ra đời, việc tường thuật trận đấu trên sóng phát thanh cũng không vì thế mà lụi tàn vì nhiều người không có điều kiện xem truyền hình vẫn có nhu cầu nghe đài để theo dõi diễn biến trận đấu.[61]

Ngày 16 tháng 9 năm 1937, buổi phát hình đầu tiên một trận đấu bóng đá được đài BBC thực hiện với trận đấu giữa Arsenal và đội dự bị của họ.[62] Arsenal được chọn cho buổi phát hình này với lý do đơn giản là sân đấu của câu lạc bộ gần với trụ sở đài BBC trên Alexandra Palace. Ở cấp độ quốc tế, World Cup 1954 là giải đấu lớn đầu tiên được truyền hình.[63] Ngay từ giai đoạn đầu mối quan hệ giữa truyền hình và bóng đá đã có nhiều xung đột. Matt Busby, huấn luyện viên của Manchester United đã tuyên bố vào năm 1957: "Các cầu thủ bóng đá phải được trả tiền cho giá trị của họ. Không có thù lao, không có phát sóng."[64] Mâu thuẫn về quyền lợi đã dẫn đến việc các sân bóng không cho phép đài truyền hình mang máy quay vào tường thuật trận đấu. Mãi đến thập niên 1980 khi các đài truyền hình chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với các câu lạc bộ, những trận đấu cấp câu lạc bộ mới bắt đầu được tường thuật thường xuyên hơn trên màn ảnh nhỏ.

Một trận đấu được truyền trực tiếp theo chuẩn HD trong một rạp chiếu phim tại Anh.

Hiện nay, tiền bản quyền truyền hình đã trở thành một nguồn thu quan trọng của các đội bóng và giải đấu, vì vậy đôi khi lịch thi đấu của các đội phải được điều chỉnh cho phù hợp với giờ theo dõi thuận lợi của khán giả, ví dụ các trận cầu "đinh" của giải Serie A thường bao giờ cũng được tổ chức vào tối Chủ Nhật thay vì tối thứ Bảy như các trận đấu thông thường khác. Để giành quyền phát sóng các giải đấu quan trọng, các đài truyền hình lớn như Sky TV của Anh hay TF1Canal+ của Pháp cũng phải cạnh tranh nhau quyết liệt để đưa ra những số tiền bản quyền càng ngày càng tăng. Một ví dụ cho sự phổ biến của việc truyền hình các trận đấu là World Cup 2006, giải đấu này đã được tổng cộng 376 kênh truyền hình phát sóng trực tiếp trên khắp thế giới với tổng lượng khán giả lên tới 26,29 tỷ lượt, tức là trung bình mỗi trận có khoảng 506 triệu người trên Trái Đất theo dõi.[65] Truyền hình không chỉ ảnh hưởng tới bóng đá về mặt kinh tế. Với công nghệ tường thuật ngày càng tiên tiến, các lỗi nhận định của trọng tài hoặc các pha tiểu xảo của cầu thủ trên sân dần không thể qua nổi mắt khán giả. Nghề trọng tài và luật 12 liên quan đến lỗi của cầu thủ vì thế cũng càng ngày càng được hoàn thiện.

Tương tự như báo viết, một số câu lạc bộ cũng bắt đầu thành lập cho riêng họ các kênh truyền hình. Middlesbrough FC là câu lạc bộ đầu tiên của Anh có kênh truyền hình của riêng mình, kênh Boro TV bắt đầu được phát sóng từ năm 2001.[66] Một số kênh truyền hình của câu lạc bộ khác có thể kể tới OM TV, OL TV, Inter Channel, Milan Channel, Roma Channel, Manchester United TV, Real Madrid TV và Barca TV.